Điều đặc biệt là kỹ thuật dựng nhà mồ. Khi đo đạc làm nhà mồ, người ta không dùng thước mà dùng những đơn vị cơ thể người như một sải tay, 1 cánh tay, 1 bàn tay... Chính điều đó tạo cho nhà mồ một dáng vẻ mộc mạc với nét đẹp tự nhiên nguyên thủy.Từ điển Hiện vật văn hóa các dân tộc Việt Nam ghi lại: Nhà mồ vẽ hoa văn trên mái, có nhiều trang trí và nhiều tượng gỗ dựng xung quanh.Hai mái chính hình thang cân, 2 mái nhỏ ở 2 đầu hồi hình tam giác, đều lợp gỗ ván và trên 2 mái chính còn được phủ tấm đan bằng nan tre, có vẽ nhiều đồ án hoa văn màu đỏ nhạt. Có thể lợp vải trắng và vẽ trang trí lên đó.Dải hoa văn tạc thủng vào gỗ ván dựng dọc theo nóc nhà, gồm những mô-típ và cảnh sinh hoạt khác nhau. Cửa quay về hướng đông. Nhà mồ được làm trong thời gian chuẩn bị lễ bỏ mả, dựng trùm lên trên ngôi mộ cho hàng chục người ở nghĩa địa làng, tiếp sát với nơi cư trú của người sống.Với người Gia-rai, nhà mồ luôn gắn liền với lễ bỏ mả và là trung tâm của lễ thức này. Người Gia-rai quan niệm, lễ bỏ mả là lễ chia tay vĩnh viễn với người chết, để hồn người chết về với tổ tiên ở thế giới bên kia. Cho nên lễ bỏ mả là lễ quan trọng của người Gia-rai được tổ chức chu đáo, long trọng và rất đông người dự.Điều quan trọng và đặc sắc nhất của nhà mồ Gia-rai là các tượng gỗ. Thường quanh mỗi nhà mồ là hàng chục tượng gỗ nhô lên nối tiếp liền với những cột chính để liên kết với hàng trăm khúc gỗ tròn nhỏ dựng thành hàng rào.So với nhà mồ của các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên thì nhà mồ của người Gia-rai là to hơn cả. Bởi người Gia-rai có tục chôn chung, những người thân trong gia đình có thể lần lượt được chôn chung vào một quan tài.Trong cùng một mộ lại có thể có nhiều quan tài của những người trong họ tộc thân thuộc với nhau. Chính vì vậy những gia đình có người chết không chỉ chuẩn bị những nguyên liệu để dựng ngôi nhà mồ mà họ còn chuẩn bị các lễ vật để cúng cho người đã chết, đặc biệt là các bức tượng nhà mồ với các tư thế khác nhau.