Về quan niệm “Nhân”. Vì trọng tình vốn là truyền thống lâu đời của văn hóa Việt Nam, cho nên khi tiếp nhận Nho giáo, người Việt Nam đã tâm đắc với chữ “Nhân” hơn cả. Nhân là lòng thương người: Bán mình là hiếu, cứu người là nhân (Truyện Kiều). “Nhân” gắn liền với “Nghĩa”: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân (Nguyễn Trãi).4 Đối với người bình dân, “nhân” đồng nghĩa với “tình”. Các từ nhân tình, nhân ngãi (biến âm của nhân nghĩa), nhân duyên trong tiếng Việt đã trở lại nói về tình yêu trai gái. Khả năng đồng hóa Nho giáo một cách mãnh liệt thể hiện qua bài ca dao dí dỏm: Mình về ta chẳng cho về, Ta nắm vạt áo ta đề bài thơ. Bài thơ ba chữ rành rành: Chữ trung, chữ hiếu, chữ tình là ba. Chữ trung thì để phần cha, Chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình!