NHÀ MỒ CỦA NGƯỜI GIA-RAINhà mồ là nét văn hóa tâm linh của người Gia-rai và nhiều dân tộc ở Tây Nguyên. Nhà mồ là trung tâm của nghi lễ bỏ mả. Ở đó người ta thể hiện tâm tư, tình cảm thông qua các bức tượng dành cho người đã khuất. Theo phong tục, trước lễ bỏ mả vài chục ngày, người Gia-rai vào rừng chọn cây gỗ tốt để dựng nhà mồ. Nhà mồ là sản phẩm kiến trúc độc đáo được dựng lên từ những bàn tay tài hoa, khéo léo của cả cộng đồng. Với người Gia-rai, nhà mồ luôn gắn liền với lễ bỏ mả và là trung tâm của lễ thức này. Người Gia-rai quan niệm, lễ bỏ mả là lễ chia tay vĩnh viễn với người chết, để hồn người chết về với tổ tiên ở thế giới bên kia. Cho nên lễ bỏ mả là lễ quan trọng của người Gia-rai được tổ chức chu đáo, long trọng và rất đông người dự. Người Gia-Rai làm lễ bỏ mả cho người chết, mà dù người đã chết, nhưng cũng cần ăn uống và giúp đỡ gia đình. Đến khi chia tay với người chết, người dân phải chuẩn bị các loài vật liệu, như gỗ, tre, mây, song, cỏ tranh để xây dựng nhà mồ. Nghi lễ bỏ mả cũng là dịp để các cư dân Gia-rai nói riêng và các tộc người ở Tây Nguyên nói chung thể hiện sự nuối tiếc nhưng cũng cầu mong một cuộc sống mới cho người đã mất khi trở về thế giới bên kia. Và, có thể nói, những tâm tư đó được họ thể hiện rõ nét nhất ở cách bài trí, xây dựng nhà mồ.