Nhà mồ là nét văn hóa tâm linh của người Gia-rai và nhiều dân tộc ở Tây Nguyên. Nhà mồ là trung tâm của nghi lễ bỏ mả. Ở đó người ta thể hiện tâm tư, tình cảm thông qua các bức tượng dành cho người đã khuất. Với đồng bào Gia-rai, chết không phải là mất đi mà là chuyển sang một thế giới khác. Do đó, lễ hội bỏ mả với đồng bào Gia-rai là ngày quan trọng, mang tính văn hóa và cũng mang tính cộng đồng. Nhà mồ, tượng mồ- những tác phẩm nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân gian độc đáo được ra đời vào dịp lễ hội này.Theo phong tục, trước lễ bỏ mả vài chục ngày, người Gia-rai vào rừng chọn cây gỗ tốt để dựng nhà mồ. Nhà mồ là sản phẩm kiến trúc độc đáo được dựng lên từ những bàn tay tài hoa, khéo léo của cả cộng đồng.Những người già có nhiều kinh nghiệm thì chịu trách nhiệm trang trí mỹ thuật, còn thanh niên trai tráng thì dựng cột và làm những việc nặng nhọc hơn.